6:34 PM, 25/08/2015
Không để quê hương cách mạng Cao Bằng “trắng” xã nông thôn mới
(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 25/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện chương trình và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc tại tỉnh ủy Cao Bằng. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Là tỉnh miền biên giới, núi cao với rất nhiều khó khăn, vào thời điểm kiểm tra Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2010, Cao Bằng không có xã nào đạt 10 tiêu chí, nhiều xã không đạt nổi 1 tiêu chí.
Tính tới nay, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, Cao Bằng vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM. Thậm chí, xã đạt nhiều tiêu chí nhất ở tỉnh là xã Phúc Sen, huyện Nguyên Bình chỉ mới đạt 15 tiêu chí.
Còn lại, toàn tỉnh có 12 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, có tới 93 xã chỉ đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 73 chỉ đạt từ 1 đến 4 tiêu chí.
Trong đó, tiêu chí thu nhập người dân ở nông thôn hiện mới đạt khoảng 13 triệu đồng/người/năm (trong khi chỉ tiêu là 18 triệu đồng). Đến nay mới có 16 xã trong tổng số 177 xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn về thu nhập. Cũng chính vì thế mà tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 20,55%, cao hơn nhiều mức trung bình của cả nước.
Trong tổ chức và hỗ trợ sản xuất cho đồng bào, tỉnh Cao Bằng mới chỉ sử dụng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Do nguồn lực hạn hẹp nên tỉnh Cao Bằng mới đang dự kiến thực hiện mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản và mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến lúa nếp hương Bảo Lạc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhìn nhận khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng NTM tại tỉnh là thiếu hụt nguồn vốn, điều kiện địa lý khó khăn nên khó phát triển kinh tế, mới chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đầu ra cho sản xuất nông nghiệp chưa có, mới chỉ có các chợ do nhân dân tự trao đổi, chứ chưa có các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng NTM của địa phương.
Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ chỉnh sửa, thay đổi một số tiêu chí NTM chỉ để áp dụng riêng cho các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn như tiêu chí về văn hóa, tiêu chí về nhà ở dân cư, chợ nông thôn. Bên cạnh đó, Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn nhiều hơn để tỉnh Cao Bằng có thể đạt từ 1 đến 3 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ không có chủ trương sửa đổi các tiêu chí xây dựng NTM để áp dụng riêng cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này có thể khiến các tỉnh miền núi khó khăn trong thực hiện Chương trình, nhưng đó cũng là động lực để toàn tỉnh quyết tâm xây dựng NTM, từng bước nâng cao thu nhập cho đồng bào, thoát nghèo bền vững.
Qua việc thị sát xây dựng NTM tại Cao Bằng trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vui mừng khi thấy đời sống của đồng bào đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với Cao Bằng là vùng miền núi còn khó khăn về mọi mặt, nên việc nâng cao nhanh, mạnh đời sống của đồng bào các dân tộc vẫn còn là một trở ngại.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị địa phương quan tâm tới phát triển sản xuất để thúc đẩy mạnh và bền vững cho chương trình NTM: “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì phải có các mô hình sản xuất có hiệu quả cụ thể để bà con tin tưởng và làm theo”.
Trước nguy cơ Cao Bằng không có xã nào đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lo lắng và yêu cầu tỉnh phải quyết tâm xây dựng ít nhất một xã đạt chuẩn NTM để động viên các xã khác thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
“Đừng để cuối năm lại báo cáo toàn tỉnh không có xã nào đạt 19 tiêu chí NTM”, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM yêu cầu lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
 |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm cụ Bế Nhật Vinh, cán bộ tiền khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Việc phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ở Cao Bằng là khó do dân cư thưa thớt, điều kiện tự nhiên chia cắt. Do đó, tỉnh nên tìm cách kết nối các cơ sở sản xuất với nhau và kết nối với các địa phương khác trong giao thương với Trung Quốc. Muốn làm được như vậy thì phải phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất và Bộ KH&ĐT nghiên cứu bố trí nguồn lực cho tỉnh”.
Thứ hai, tỉnh nên nghiên cứu cách phát triển rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ. Như tỉnh giáp ranh là Bắc Kạn, ngoài phát triển rừng, tỉnh này còn kêu gọi tư nhân đầu tư nhà máy chế biến gỗ, tận dụng được các sản phẩm từ cây gỗ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho bà con. Đây cũng là một hướng cho Cao Bằng nghiên cứu, Phó Thủ tướng gợi ý.
Đối với chăn nuôi, hiện nay ở khu vực miền núi phía Bắc đang có xu hướng phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò theo đàn. Trong chính sách sắp tới về phát triển rừng, Chính phủ cũng sẽ có chính sách ưu đãi để bà con phát triển chăn nuôi.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho ý kiến về các đề xuất cụ thể của tỉnh Cao Bằng liên quan tới phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh cũng như hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương khác trong vùng và Trung Quốc.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã tới thăm cụ Bế Nhật Vinh, năm nay 104 tuổi, là cán bộ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong thời khắc cả nước đang kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chúc cụ Bế Nhật Vinh sống khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và tinh thần yêu nước để nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc Cao Bằng noi theo.
Thành Chung