 |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của Thành phố trong công tác giảm nghèo là yếu tố mấu chốt mang lại thành công. Ảnh: VGP/Phan Hoàng
|
Trong quá trình 23 năm thực hiện (1992-2015), chương trình giảm nghèo tại TPHCM được chia làm 4 giai đoạn, với 7 lần chuẩn hộ nghèo được nâng lên theo tiêu chí thu nhập cho phù hợp với điều kiện phát triển KTXH của Thành phố.
TPHCM thực hiện giảm nghèo hiệu quả
Về kết quả thực hiện, từ năm 1992 đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn liên tục được kéo giảm qua từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn từ năm 1992-2003, số hộ nghèo giảm từ 121.722 hộ xuống còn 1.655 hộ; giai đoạn 2004-2008 giảm từ 89.090 hộ xuống 2.754 hộ và từ 152.328 hộ giảm xuống còn 10.322 hộ trong đoạn 2009-2013.
Riêng giai đoạn 2014-2015, số hộ nghèo giảm từ 83.031 hộ (chiếm tỷ lệ 4,23% tổng hộ dân) xuống còn 19.482 hộ (chiếm tỷ lệ 0,99%); số hộ cận nghèo giảm từ 49.651 hộ (chiếm tỷ lệ 2,53%) xuống 51.681 hộ (chiếm tỷ lệ 2,63%).
Song song với đó, tiêu chí đánh giá hộ nghèo tại Thành phố dần được nâng cao. Từ mức xác định chuẩn nghèo thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/năm ở các quận nội thành và 2,5 triệu đồng/người/năm ở khu vực ngoại thành (giai đoạn 1992-2003), đến nay chuẩn nghèo của Thành phố được nâng lên ở mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm đối với các hộ nghèo và dưới 21 triệu đồng/người/năm với hộ cận nghèo, thống nhất cho cả khu vực nội và ngoại thành.
Từ mục tiêu xác định xóa hộ đói là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn bắt đầu triển khai Chương trình, đến nay tiêu chuẩn đánh giá hộ nghèo tại Thành phố được ghi nhận cao hơn 2,7 lần so với chuẩn nghèo quốc gia, và đang ngày càng tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế (2 USD/người/ngày).
Theo UBND TPHCM, thời gian qua, để thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo, Thành phố đã tập trung huy động nhiều giải pháp hay, nhiều cách làm hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo vay vốn làm ăn. Các nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo được Thành phố tập trung huy động từ nguồn ngân sách và từ các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài.
Trong 23 năm qua, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn Thành phố đạt 7.136,218 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách là 3.721,719 tỷ đồng (chiếm 52,15%), nguồn vận động là 3.414,499 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 47,85%).
Để các hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận kịp thời các nguồn vốn vay, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ. Theo báo cáo của các tín dụng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại Thành phố được vay vốn ở mức tương đối cao với khoảng 60% hộ nghèo và 47% hộ cận nghèo được vay vốn.
Kết quả sử dụng hỗ trợ tín dụng các hộ cận nghèo thời gian qua cho thấy, vốn tín dụng là giải pháp chủ yếu và quan trọng giúp cho hộ nghèo tự tạo việc làm tại chỗ để vượt chuẩn nghèo.
Thực tế ghi nhận tại TPHCM, số hộ thoát nghèo nhờ tiếp cận các nguồn tín dụng tăng đều qua các năm. Trong đó riêng năm 2012, Thành phố có 30.478 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 44% số hộ được hỗ trợ trực tiếp từ các biện pháp cho vay vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề...
Bên cạnh việc hỗ trợ cho người nghèo vay vốn, thời gian qua, Thành phố chú trọng xóa nghèo tại các khu vực nông thôn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua gần 5 năm triển khai xây dựng, đến nay những nhân tố nông thôn mới của xã ven đô thị đã hình thành và bắt đầu phát huy tác dụng.
Tính đến tháng 5/2015, Thành phố có 3 huyện (Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn) đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới tại TPHCM đã từng bước cải thiện môi trường sống của người dân, làm chuyển biến bộ mặt các ấp, khu phố nghèo; từng bước nâng cao thu nhập, giải quyết lao động nông thôn, qua đó góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Từ chương trình này, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội (điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, chợ...) tại các xã nghèo được đầu tư hoàn thiện; công tác đào tạo nghề, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp được khuyến khích chuyển đổi từ cơ cấu nông nghiệp sang phát triển kinh tế hợp tác. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nông nghiệp đô thị đã được khôi phục và phát triển.
Cần bám sát giải pháp giảm nghèo trong giai đoạn mới
Đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo của TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của Thành phố trong công tác giảm nghèo là yếu tố mấu chốt mang lại thành công.
Trên cơ sở quá trình 23 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo, Thành phố cần tập trung xác định những vấn đề tồn tại để sớm có biện pháp khắc phục, đồng thời kiến nghị những cách làm hay, sáng tạo để Trung ương nhân rộng ra toàn quốc.
Để thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM bám sát các chủ trương, giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt tại “Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020”.
Trong đó, cần tập trung đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận trong việc thực hiện giảm nghèo đa chiều; tăng cường phối hợp, gắn kết chính sách giảm nghèo với chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và các chính sách phát triển KTXH khác.
Song song với việc huy động tối đa mọi nguồn lực, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về mục tiêu, yêu cầu, cách tiếp cận giảm nghèo theo phương pháp đa chiều; tạo điều kiện để người nghèo có ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phan Hoàng