 |
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Cách đây 1 tuần, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, người đứng đầu Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thay mặt Thủ tướng ký quyết định yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TPHCM nói ông hoan nghênh quyết định này: “Câu chuyện ở đây là quyết định trên đã đưa ra tín hiệu quan trọng thay đổi nhận thức về chức năng của Nhà nước- Nhà nước không đi làm kinh doanh mà hỗ trợ, xây dựng quốc kế dân sinh và sử dụng hiệu quả nguồn lực mà Nhà nước đang có. Quyết định này tạo niềm tin để thị trường thấy rằng Nhà nước làm đúng vai trò của mình và chuyện gì của thị trường thì để thị trường quyết định”.
Còn theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, việc bán vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là chủ trương lớn được xác định từ trước. Trong quá trình đổi mới doanh nghiệp thì một số hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa có chậm trễ vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng dù thế nào cũng phải đẩy mạnh việc bán, thoái vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý để hỗ trợ cho khối tư nhân có “đất” để phát triển.
Trao đổi với phóng viện Báo Điện tử Chính phủ, ông Thụ nêu vấn đề sau quyết định này là: “Nhưng bán như thế nào, trong thời điểm nào thì phải cân nhắc. Bán phải phụ thuộc vào thị trường, nhất là thị trường chứng khoán có biến động bất thường và chưa phục hồi. Do đó, phải tính đến việc bán phần vốn này sao cho hợp lý, tối đa hóa lợi nhuận của Nhà nước”.
Ông Thụ cũng bày tỏ quan điểm việc bán hết cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp này phải được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện công khai trên thị trường chứng khoán để cho giá trị tốt nhất.
Mới đây, trong báo cáo dịp kỷ niệm 10 năm thành lập SCIC, Tổng công ty này cho biết việc bán vốn Nhà nước ở hơn 800 doanh nghiệp trong 10 năm qua đã cho doanh thu 9.243 tỉ đồng, mang lại khoản lợi nhuận tới 5.360 tỉ đồng cho Nhà nước.
Trong khi đó, trong số những doanh nghiệp mà SCIC sẽ bán hết vốn Nhà nước lần này có những doanh nghiệp có giá trị rất lớn như Vinamilk mà Nhà nước nắm giữ tới 45,1% tổng số vốn. Với tỉ lệ này, giá trị vốn Nhà nước tại đây sẽ là nhiều tỉ USD.
Đại biểu Trần Du Lịch còn dự đoán việc bán vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là tín hiệu tốt để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ được thuận lợi hơn từ năm 2016 trở đi.
Hiện nay vẫn còn gần 200 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa từ nay tới cuối năm và có khả năng là Chính phủ sẽ không hoàn thành mục tiêu này.
Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch bày tỏ đánh giá cao quyết tâm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong 2 năm qua của Chính phủ vì những doanh nghiệp còn lại là những miếng “xương” khó nhằn nhất và do những quy trình, thủ tục bắt buộc cũng như nhu cầu của thị trường còn chưa nhiều.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng các giải pháp cổ phần hóa đã được áp dụng hết và cho rằng không nên “nóng ruột” trong thực hiện mà phải giữ vững quyết tâm làm. Ông cũng dự đoán để giải quyết được tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thì phải mất thêm 5 năm nữa vì phải tính toán tới việc sử dụng nguồn tiền từ cổ phần hóa ra sao cho hiệu quả nhất và làm thế nào để doanh nghiệp sau cổ phần hóa phát triển hơn trước.
Thành Chung